Giá đất tại một số xã “ven sân bay” đã tăng từ 20 – 30% so với thời điểm đầu năm 2019. Cụ thể, mức giá trung bình đang được giao dịch rơi vào khoảng từ 18 – 25 triệu đồng/m2. Tại những khu vực gần các trục đường lớn giá đất nền long thành đang được giao dịch ở mức từ 35 – 40 triệu đồng/m2.
Xây dựng sân bay là cấp thiết
Ngày 6/5/2019 vừa qua, tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (được tổ chức tại Đồng Nai – NV), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để khởi công dự án sân bay Long Thành vào năm 2020.
Và câu chuyện xây dựng sân bay cũng là chủ đề được nhiều đại biểu tham dự hội nghị quan tâm. Theo đó, việc xây dựng Sân bay Long Thành được đánh giá là cấp thiết, bởi đây chính là động lực phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người đại diện cho cử tri tại tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc nhanh chóng triển khai dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là hết sức cấp thiết, bởi Tân Sơn Nhất đã bộc lộ dấu hiệu quá tải. Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng có chung quan điểm khi cho rằng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đầu mối của quy hoạch vùng kinh tế phía Nam. Cử tri TP Hồ Chí Minh cũng rất ủng hộ quan điểm xây dựng Sân bay Long Thành, bởi từ lâu, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến cả vùng kinh tế phía Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Sân bay Long Thành nằm ở vị trí lý tưởng trên bản đồ hàng không quốc tế. Đây sẽ là đầu mối logistics hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là vị trí thuận lợi nhất so với tất cả các cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong khu vực hiện nay. Cụ thể, nếu lấy Sân bay Long Thành làm tâm tính tổng khoảng cách từ sân bay này đến tất cả các sân bay trong khu vực sau 3 giờ bay, sau đó so sánh giữa các sân bay với nhau để xem khoảng cách nào nhỏ nhất, thì dễ dàng nhận thấy Sân bay Long Thành không có đối thủ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về mặt tiện lợi và kinh tế cho hàng trung chuyển. Chưa kể, các dịch vụ giá trị gia tăng khác như bảo dưỡng máy bay, hậu cần hàng không, đào tạo, sản xuất, dịch vụ phụ trợ đều có tiềm năng rất lớn.
Để chuẩn bị cho tương lai này, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều động thái tích cực như nghiên cứu đề án thành lập thị xã Long Thành, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp – dịch vụ, hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại. Đầu tháng 5/2019, UBND huyện Long Thành đã phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia triển khai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Những động thái tích cực nêu trên của chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tạo nên một “cú huých” mạnh mẽ đến thị trường bất động sản Đồng Nai nói chung và Long Thành nói riêng.
Giá đất tăng trung bình 30%
Thực tế ghi nhận, trong vài năm gần đây, giá đất Long Thành đã trải qua nhiều “cơn nóng lạnh” cùng với tiến độ xây dựng sân bay. Điển hình như giai đoạn nửa cuối năm 2018 vừa qua, khi giá đất tại một số khu vực như quận 9, quận 2 (TP Hồ Chí Minh), Đức Hòa, Long Hậu (Long An) hay Long Điền, TP Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu)… tăng vùn vụt thì giá đất tại Long Thành vẫn… lặng như tờ – Đây cũng chính là thời điểm, những thông tin về thời điểm khởi công xây dựng sân bay Long Thành ít được nhắc đến.
Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công xây dựng Sân bay Long Thành vào năm 2020, đã củng cố niềm tin của giới đầu tư địa ốc vào thị trường này. Không chỉ có vậy, những chỉ đạo quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ cũng như những động thái tích cực chính quyền tỉnh Đồng Nai trong việc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hướng tới việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành vào năm 2020 còn tạo nên một “cú huých” mạnh mẽ đến thị trường bất động sản Long Thành. Dễ nhận thấy nhất là, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giá đất tại các khu vực được xác định là “vùng ven sân bay Long Thành” đã tăng lên đáng kể.
Theo khảo sát sơ bộ của phóng viên tieudung.vn, giá đất tại một số xã “ven sân bay” đã tăng từ 20 – 30% so với thời điểm đầu năm 2019. Cụ thể, mức giá trung bình đang được chào bán vào khoảng 18 – 25 triệu đồng/m2. Cá biệt, tại những khu vực gần các trục đường lớn giá đất đang được giao dịch ở mức từ 35 – 40 triệu đồng/m2. Cùng với “sự chuyển động” của giá đất, bầu không khí bên trong các phòng công chứng của các xã như Long An, Long Đức, thị trấn Long Thành cũng “ngột ngạt” không kém, với lượng người đổ về để công chứng giấy tờ nhà đất… đông như hội. Cùng với đó, các văn phòng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính cũng rơi vào tình trạng quá tải… ngay từ đầu giờ làm việc buổi sáng.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Minh Tiến – TGĐ Công ty CP Đầu tư Bất động sản Asia New Time cho rằng, huyện Long Thành vốn đã nắm giữ những ưu thế vượt trội về bất động sản khi án ngữ cửa ngõ phía Đông của TP Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là cửa ngõ giao thương, mà còn là điểm giao thoa của nhiều công trình giao thông trọng điểm, mở ra hướng kết nối liên vùng vô cùng thuận tiện. Cụ thể, bên cạnh tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 51 mở rộng, Long Thành còn đang đón một loạt dự án lớn như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Long Thành – Vũng Tàu, Monorail Thủ Thiêm – Long Thành… Trong tương lai, trên địa bàn còn xuất hiện thêm nhiều cây cầu sẽ được xây dựng, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh.
Mặt khác, theo quy hoạch phát triển vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, Long Thành tọa lạc ở trung tâm tứ giác kinh tế TP Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu – Đồng Nai và Bình Dương. Bao quanh là hàng loạt khu công nghiệp – khu công nghệ cao, cảng biển quốc tế và các đô thị đang phát triển năng động. Không những vậy, Long Thành còn là thị trấn có kinh tế phát triển nhanh, tập trung nhiều khu công nghiệp. Hệ thống tiện ích của Long Thành cũng phát triển tốt với đầy đủ giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại cho đến thể dục thể thao và du lịch…
“Chưa cần nói đến sân bay, chỉ đơn thuần những yếu tố nêu trên, đã thể hiện tiềm năng vượt trội của thị trường bất động sản Long Thành so với những khu vực vùng ven đồng cấp khác của TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, việc xây dựng sân bay, một lần nữa khẳng định vị thế “độc tôn” của thị trường bất động sản Long Thành. Bởi bất cứ ai cũng nhận ra rằng, khi sân bay Long Thành được khởi động, thị trường bất động sản Đồng Nai sẽ còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là khu vực quanh sân bay Long Thành sẽ có sự phát triển đột phá. Bởi nhu nhà ở, nhu cầu kinh doanh thương mại… khi đó sẽ tăng lên đột biến”, ông Tiến nhận định, đồng thời cho rằng, trong tương lai gần, bất động sản Long Thành sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. “Lúc đó mặt bằng giá bất động sản của Long Thành sẽ tiếp cận, thậm chí vượt lên so với mặt bằng giá ở TP Biên Hòa hiện hữu chứ không còn như hiện nay”, ông Tiến nhận định.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, khách hàng – nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước khi quyết định “xuống tiền”, nhất là khi thị trường bất động sản Long Thành vẫn còn trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Trên thực tế, có rất nhiều giao dịch đang được thực hiện trên những mảnh đất chưa có giấy tờ hợp lệ (sổ đỏ – NV), thậm chí là giao dịch với giấy viết tay, trên đất nông nghiệp… “Loại đất này tuy giá có “mềm” hơn so với đất tại những dự án có pháp lý rõ ràng, được quy hoạch bài bản, nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Vì vậy, để tránh rủi ro, tốt nhất là nhà đầu tư nên thẩm định cẩn thận về nguồn gốc đất, tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý đất đai trước khi quyết định xuống tiền…”, ông Dương Minh Tiến – TGĐ Công ty CP Đầu tư Bất động sản Asia New Time nói.
V.T