This site is created at the Nethouse site-building service. Would you like to have a similar one?
For the site owner

Bat dong san

Đồng Nai: nhiều giải pháp cung ứng nguồn lao động

Thông qua việc đa dạng hóa các hình thức như tuyên truyền sâu, cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, giới thiệu người lao động thông qua người thân đang làm việc, doanh nghiệp tự tuyển dụng, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội... Đồng Nai đã tạo ra nhiều việc làm.


Nhằm hướng đến giải quyết việc làm bền vững và ổn định cho người lao động, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm kịp thời cung ứng lao động cho thị trường lao động, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao.


Trong năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng đến quý III, IV/2020 thị trường cung ứng lao động trên địa bàn Đồng Nai phục hồi khá tốt. Tỷ lệ giải quyết việc làm vẫn đạt so với kế hoạch đề ra.


Nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ việc làm được thực thi, trong đó phải kể đến chính sách tín dụng tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Năm 2020, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai đã thực hiện cho vay vốn hỗ trợ việc làm từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm cho 12.138 khách hàng với số tiền 467.064 triệu đồng. Kết quả tạo việc làm cho 18.202 người lao động, bằng 134% về số tiền và 120,6% về số khách hàng vay so với năm 2019, mức cho vay bình quân 1 hộ là 38,4 triệu đồng.


Để đạt được kết quả việc làm cho nhiều người lao động, Đồng Nai rất chú ý khâu đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung cứng nguồn lao động có chất lượng cao ra thị trường.


Năm 2020 toàn tỉnh đã tuyển mới được 78.105 người lao động, tỷ lệ lao động tuyển sinh đào tạo nghề từ trung cấp trở lên trên tổng số người được tuyển sinh trong năm qua đạt 25,18%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2020 là 65,02%. Triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1418/QĐ-UBND ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai) năm 2020 đã thực hiện tuyển mới đào tạo nghề cho 2.457 lao động nông thôn, trong đó có 799 người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 31,74% và 1.678 người học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm 68,29%. Số người đã tốt nghiệp là 1.899 người, giải quyết việc làm cho 1.731 người chiếm 91,15%, số còn đang được đào tạo và sẽ tốt nghiệp vào đầu năm 2021. Trong công tác đào tạo nghề các trường đã chuyển mạnh sang hướng đặt hàng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thị trường lao động - việc làm. Từng bước cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo cho thị trường lao động , đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn.

Thưởng Tết cao nhất đến 600 triệu đồng


Về chính sách thưởng trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết: Đến thời điểm hiện tại có hơn 2.834 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết. Dự kiến mức thưởng trung bình là 7.580.000 đồng (của 1.438/2.834 doanh nghiệp báo cáo). Mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI và mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng thuộc doanh nghiệp dân doanh.


Một số doanh nghiệp dù có kế hoạch thưởng Tết nhưng chưa công bố với lý do xem xét tình hình tương quan với các doanh nghiệp trong cùng địa bàn, lĩnh vực sản xuất.


Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các sở,ban, ngành, tổng hợp ý kiến người lao động, trao đổi với người sử dụng lao động để tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện doanh nghiệp và đời sống người lao động.


Tính đến ngày 31/12/2020 tổng số lao động làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai là trên 1.217.530 người, trong đó lao động là người nước ngoài là 9.048 người (chiếm 0,7%). Tổng số lao động nước ngoài được cấp phép lao động là 8.324 người, số người không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động là 487 người và 237 lao động nước ngoài đang tiến hành thủ tục đề nghị cấp giấp phép lao động.


Thanh Chương

Bất động sản năm 2021 có thể bước vào chu kỳ tăng cao

Đó là nhân định được đưa ra tại báo cáo về Bất động sản Nhà ở với tiêu đề "Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021" vừa được Công ty Chứng khoán VNDIRECT phát hành. Báo cáo cũng đưa ra các yếu tố tích cực tác động đến sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong năm 2021.


Tại báo cáo, VNDIRECT đã dự báo thị trường bất động sản năm 2021 sẽ bước vào cho chu kỳ tăng trưởng mới.


Lý giải về dự báo trên, VNDIRECT dẫn chứng, trong các tháng vừa qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khu công nghiệp tăng; đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, một yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển của thị trường bất động sản là lãi suất vay mua nhà đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm giúp nền kinh tế vực dậy. Tính đến tháng 11/2020, lãi suất vay mua nhà điều chỉnh của các ngân hàng trong nước đã giảm xuống 9,5%, mức thấp nhất trong 10 năm.

Quyết sách này của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng, đồng thời cũng giúp giảm chi phí lãi vay cho khách hàng.


Song song với đó, các ngân hàng còn tung ra nhiều gói kích thích như miễn/giảm lãi và giảm lãi suất cho vay. Các chính sách trên đã giúp đảo ngược nhu cầu vốn thấp của người mua nhà do ảnh hưởng của đại dịch, cũng như giúp các doanh nghiệp giải quyết việc thiếu nguồn cung nhà ở.


VNDIRECT dự báo, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang hạ nhiệt, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ thích ứng trong năm 2021, khả năng cao lãi suất sẽ không tăng trong năm 2021 nhằm mục đích tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi bằng cách duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng. Theo đó, lãi suất vay mua nhà sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021 nhằm kích cầu mảng bất động sản.


Ngoài các chính sách của ngành Ngân hàng, VNDIRECT cho biết thêm, việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 sẽ giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021.


Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2020 sẽ được thông qua vào năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, từ đó dẫn tới nguồn cung căn hộ mới phục hồi về mức năm 2017 - 2018 trong các năm tới.


VNDIRECT cho rằng xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà.


Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam có chu kỳ 7 năm và bất động sản năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ tăng cao trong bối cảnh vấn đề pháp lý có dấu hiệu tích cực từ việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và kỳ vọng GDP đạt tăng trưởng 7,1% trong năm 2021 như dự báo.


Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường, mà minh chứng dễ nhận thấy nhất chính là tỷ lệ hấp thụ đã được cải thiện qua các quý. Cụ thể, quý I/2020, khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, cả thị trường "đóng băng", tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14% thì sang quý II đã đạt 37% và lên tới 50% trong quý III. Dự báo sang quý IV, chỉ số này còn cao hơn. Thị trường trở lại quy luật của mọi năm, càng về cuối năm giao dịch ghi nhận càng tốt hơn.

8X thu lời trăm triệu đồng mỗi thương vụ mua bán nhà cũ

Cùng với chung cư và đất nền thì việc mua bán nhà cũ cũng giúp anh kiếm được lợi nhuận cả trăm triệu đồng trong mỗi thương vụ đầu tư.


Có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực đầu tư, mua bán bất động sản tại tỉnh, anh Đặng Phương Đông sinh năm 1984 tại Ninh Thuận, cho biết đã từng trải qua hàng trăm thương vụ đầu tư cả chung cư, đất nền, đất dự án cũng như cải tạo nhà cũ nát để bán lại kiếm lời.

Anh chia sẻ, những ngày đầu khi dấn thân vào con đường đầu tư BĐS, với số vốn còn ít ỏi, anh tập trung làm trong lĩnh vực đầu tư, môi giới chung cư và mua nhà cũ rồi cải tạo để bán cho những người có nhu cầu.


Theo đó, ngay trong năm đầu tiên khi bước chân vào đầu tư BĐS (năm 2015), anh đã có cơ hội mua và cải tạo 2 ngôi nhà cũ tại TP Phan Rang để bán lại.


Anh Đông kể, căn nhà cũ đầu tiên được mua với giá 350 triệu đồng, lúc này anh nhờ một người bạn của mình vẽ bản thiết kế lại không gian cho từng khu vực của ngôi nhà. Bản thân anh chỉ sơn lại căn nhà cũ để tạo không gian ấm áp cũng như sửa lại không gian của bếp với chi phí hết 20 triệu đồng.


Sau khi những công đoạn sửa chữa nhỏ được hoàn tất, anh đã bán được ngôi nhà này với giá 560 triệu đồng. Khi bán nhà, anh tặng luôn chủ mới bản thiết kế để sửa chữa với những tính toán chi tiết về tiền công, nguyên vật liệu cần thiết.


Anh chia sẻ, nếu làm đúng như bản thiết kế được người bạn của anh đã thực hiện thì chủ nhà chỉ cần chi thêm 130 triệu đồng nữa là có một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi.


Căn nhà cũ thứ hai được anh mua với giá 480 triệu đồng, sau khi hoàn thành các thủ tục mua bán, anh quyết định sửa lại luôn với chi phí sửa chữa 120 triệu đồng. Cũng như căn nhà cũ đầu tiên, căn nhà thứ hai này chỉ mất thời gian ngắn sau khi cải tạo xong thì anh đã bán được cho chủ mới với số tiền lên tới 860 triệu đồng.


Chỉ sau hai thương vụ đầu tư vào mua bán và cải tạo lại nhà cũ đã giúp anh kiếm được số tiền lên đến gần nửa tỷ đồng. Từ những thành công bước đầu này mà sau đó anh đã quyết định thành lập công ty xây dựng để tiến hành đầu tư vào BĐS và có thể nhận thầu sửa chữa nhà luôn cho những khách hàng có nhu cầu.


Anh cũng chia sẻ, với cải tạo nhà cũ thì nên chú trọng bếp; khu vệ sinh cho tiện ích và đẹp. Phòng ngủ và khách nên tối giản để tăng diện tích và tạo cảm giác rộng rãi, thoáng nhất có thể.


Anh Đông cũng cho biết, những năm tiếp theo có thời điểm anh đã thu mua cả chục căn nhà cũ đồng thời cho sửa chữa cùng lúc 3-4 căn nhà với số vốn bỏ ra và lợi nhuận thu được tăng qua từng năm.


Sau 5 năm dấn thân vào con đường đầu tư BĐS, những kinh nghiệm được anh rút ra trong việc đầu tư, cải tạo nhà cũ nát là:

Mua bán nhà đất nhất định phải là đất thổ cư, pháp lý rõ ràng, không vướng tranh chấp, không mua nhà trên đất nông nghiệp. Đây là bài học được anh rút ra khi sau này dính vào pháp lý và chôn vốn với 2 căn nhà cũ được chủ làm trên đất nông nghiệp.


Chọn nhà có khả năng cải tạo càng ít càng tốt, kiểm tra căn nhà định mua một cách kỹ càng.


Giá mua càng rẻ càng có lợi. Để có thể mua được nhà giá rẻ, có thể đánh vào tâm lý của chủ nhà bằng việc “than nghèo, kể khổ” để giảm được đồng nào hay đồng ấy.


Chọn nhà có đường vào đừng quá nhỏ, ít nhất phải xe máy ba gác có thể chạy qua. Bên cạnh đó, khu vực đó đừng trũng hoặc có tiền sử ngập úng, dân cư đừng phức tạp quá bởi sau này có thể khó bán.


Kết nối giao thông phải thuận lợi, những căn nhà ở vị trí hẻm cụt thì phải cân nhắc.


Chọn những vị trí gần trung tâm, chợ, nơi buôn bán tốt thì cơ hội sinh lời càng cao.


Trong quá trình sửa chữa, cân nhắc việc đụng đến phần kết cấu khung cột ít nhất, chọn nguyên vật liệu nội thất tối giản, nhỏ gọn (vì thường những ngôi nhà phải cải tạo, sửa chữa lại không gian không được lớn nên bố trí tạo cảm giác thoáng, rộng là điều rất quan trọng).


Phải xác định ngay từ đầu về tập khách hàng mình nhắm đến là người lao động, công nhân viên chức hay những vợ chồng trẻ mới cưới,... Việc xác định được tập khách hàng tiềm năng sẽ giúp nhà đầu tư lên được kế hoạch sửa chữa và định giá bán phù hợp cho từng đối tượng.


Kết nối ngân hàng để hỗ trợ cho người mua nhà có nhu cầu vay vốn. Việc này có thể đẩy nhanh tốc độ mua bán giữa các bên.

Anh Đông cho biết chỉ mong qua những kinh nghiệm được mình rút ra có thể giúp các nhà đầu tư BĐS nhỏ có thêm những kinh nghiệm quý báu cho mình, các bạn khởi nghiệp có chút định hướng thêm. Anh cũng muốn tạo động lực cho những nhà đầu tư đang lo sợ vốn ít, đang loay hoay giống như mình thời điểm đầu khi tham gia vào đầu tư BĐS.

Theo Hoàng Anh (Dân Việt)

Dự án bất động sản 'ma' lại nở rộ: Người mua lao đao

Bỏ hàng tỷ đồng mua phải đất nền của dự án “ma” ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… người dân mất tiền nhưng không nhận được nền đất. Hiện tại, công an các địa phương trên đang kiểm tra, xác minh vụ việc có tính chất chiếm đoạt tài sản trong ký hợp đồng mua bán đất dự án.


Tiền tỷ mua đất dự án “ma”


Trong đơn tố cáo gửi đến báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thái Hòa (ngụ tại Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa) nói rằng, đầu năm 2018, bà biết Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal đang triển khai dự án Golden Central Park ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thông tin bà Hòa nhận được từ phía chủ đầu tư là dự án Golden Central Park giai đoạn 1 có 114 lô đất nền thổ cư 100%, sổ đỏ riêng từng lô và xây dựng tự do.

Đến tháng 5/2018, bà Hòa vào TPHCM đăng ký hợp đồng mua lô đất A07, diện tích 105m2 của dự án Golden Central Park. Tháng 8/2018, bà Hòa mua tiếp lô C07 diện tích 137,3m2 và tháng 9/2018 mua tiếp lô đất C06 diện tích 143,7m2. Tất cả 3 lô đất này đều ký hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal.


Thế nhưng, khi thanh toán tiền cả 3 lô đất này, tiền không được chuyển vào tài khoản Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal mà vào tài khoản cá nhân ông Lê Anh Đức. Ông Đức là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal.


Vào tháng 7/2019, khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lô A07, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal mời bà Hòa đến ký hợp đồng chuyển nhượng. Lúc này, bà Hòa bất ngờ khi bên chuyển nhượng đất cho bà không phải Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal mà là cá nhân ông Lê Anh Đức (ngụ tại 87L6, khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Khi giao sổ đỏ lô A07, phần diện tích đất ở chỉ có 70m2, phần còn lại là đất trồng cây lâu năm và thời gian ra sổ đỏ chậm 8 tháng so với cam kết ban đầu.


Sau đó, bà Hòa có hỏi về thời gian nhận sổ đỏ lô C07 và C06 thì phía Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal hẹn đến tháng 10/2019 rồi tháng 12/2019 sẽ có sổ đỏ. Sau đó, công ty này trả lời chưa biết đến khi nào có sổ đỏ cho hai lô đất còn lại.


Đáng nói, một phần dự án Golden Central Park có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại huyện Long Điền được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt theo quyết định của UBND tỉnh này là đất ở và đất giao thông. Tại Công văn số 4152/UBND-VP của huyện Long Điền cũng nêu rõ, các vị trí đất mà ông Lê Anh Đức xin chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở để thực hiện dự án Golden Central Park phải chờ kết quả điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị đến năm 2025, định hướng đến 2030. Còn hiện tại, khu vực này là đất quy hoạch giao thông.


Cũng ở dự án Golden Central Park, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ Đống Đa, Hà Nội) bỏ hơn 1,5 tỷ đồng mua lô D-01, khu D với diện tích gần 169m2. Theo hợp đồng mua bán, 5 tháng sau ngày đặt cọc, ông phải thanh toán 100% trị giá lô đất và nhận sổ đỏ. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua, ông Dũng vẫn chưa thấy đất ở đâu.


Tại Bình Dương, hàng loạt công ty bất động sản non trẻ mọc lên, những dự án “ma” cũng được lập, bủa vây các khu công nghiệp ở Bình Dương. Thấy đất nền giá rẻ, hợp túi tiền, nhiều công nhân đã xuống tiền giao dịch và đang đứng trước nguy cơ trắng tay.
Cụ thể, trong đơn có 40 công nhân cùng ký tên tố Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Đất Việt (gọi tắt là Công ty Đất Việt) đã sang nhượng đất “dự án ma” thu tiền khách hàng nhưng sau 3 năm không có đất để giao; công ty này cũng không trả lại tiền và tìm cách né tránh.


Anh T.Q.T cho biết, vào ngày 30/8/2018, anh T. đã mua một nền đất tại dự án mang tên Khu nhà ở Chánh Phú Hòa (TX Bến Cát, Bình Dương) của Công ty Đất Việt với số tiền 680 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay phía công ty chưa bàn giao các giấy tờ pháp lý liên quan lô đất. Nhận thấy dự án bất cập, anh T. đến đòi lại tiền thì phía công ty tìm cách né tránh.


Tương tự, anh L.D.L cho biết: “Khi thấy Công ty Đất Việt rao bán dự án Khu nhà ở Chánh Phú Hòa gần nơi anh L. làm việc, giá cả hợp khả năng nên anh đặt tiền mua một nền (giá hơn 600 triệu đồng vào cuối năm 2018). Công ty không giao giấy tờ pháp lý theo đúng thời gian cam kết trong hợp đồng. Tôi đòi lại tiền, họ đồng ý bằng văn bản sẽ trả nhưng đến hẹn không trả và tìm cách né tránh”.


Trong khi đó, hàng chục người khác chủ yếu là công nhân cũng đang cầu cứu cơ quan chức năng vì mua phải dự án mang tên Thành Phát City 1 tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương do Công ty Ba Thành Phát làm chủ đầu tư. “Cuối năm 2018, tôi giao tiền mua lô đất tại dự án Thành Phát City 1 của Công ty Ba Thành Phát với số tiền 380 triệu đồng/nền 80m2. Thế nhưng, cho đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, tôi đến đòi lại tiền thì họ không trả, tìm đủ cách tránh mặt”, anh N.A.L (một khách hàng) nói và cho biết thêm, ngoài anh còn có khoảng 50 khách hàng khác mua đất tại dự án này.


Một dự án “ma” khác đang khiến hàng chục khách hàng đứng trước nguy cơ trắng tay nằm trên địa bàn xã An Điền, TX Bến Cát, Bình Dương. Anh T.V.T và 48 người khác cũng mua đất dự án “ma” mang tên An Điền 1, An Điền 2 của Cty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc SP Land. Theo đó, đầu năm 2018, nhiều khách hàng là người lao động nhập cư này đã chuyển cho công ty từ 400 đến 480 triệu đồng để mua đất. Tuy nhiên, sau 2 năm dự án vẫn là bãi đất trống. Công an đang giải quyết


Theo đại tá Nguyễn Huy Cương, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công an tỉnh này đã nhận được đơn tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thái Hòa. Nội dung, bà Hòa tố giác ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong ký hợp đồng sang nhượng đất dự án khu dân cư Golden Central Park tại huyện Long Điền. Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiến hành kiểm tra, xác minh.


Trong khi đó, UBND huyện Long Điền khẳng định, trên địa bàn không có bất cứ dự án nào mang tên Golden Central Park. Dự án nào mang tên Golden Central Park là dự án “ma”, do các cá nhân tự ý phân lô bán nền.


Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, tất cả dự án mà PV Tiền Phong nhắc đến tên đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện để giao dịch. Đối với Dự án khu nhà ở Chánh Phú Hòa, mới chỉ có bản phê duyệt tỷ lệ 1/500. Do đó, để giao dịch mua bán doanh nghiệp cần rất nhiều văn bản pháp lý bắt buộc khác. Về dự án Thành Phát City 1; An Điền 1, An Điền 2 chưa được cơ quan chức năng cấp phép thực hiện.


Thiếu tá Nguyễn Minh Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát An ninh Kinh tế Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của hàng trăm khách hàng giao dịch chuyển nhượng đất tại các dự án gồm Khu nhà ở Chánh Phú Hòa, Thành Phát City 1, An Điền 1, An Điền 2. Hiện tại, Công an đang điều tra làm rõ, đồng thời phát thông báo đến người dân cảnh giác khi mua đất tại các dự án chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý.


Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM nói rằng, để xảy ra tình trạng dự án “ma” là do quản lý lỏng lẻo. Cụ thể, đất nông nghiệp nhưng chủ đầu tư dự án làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô nhưng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.


Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp yêu cầu chủ đầu tư trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định của Luật Đất đai. Doanh nghiệp quảng cáo sai nhưng không được giám sát, phát hiện…, do đó, có những trường hợp vẽ ra dự án “ma” chiếm đoạt tiền người dân nhưng công an khó giải quyết.


“Người lỡ mua đất nền trong dự án “ma” thì nên hủy hợp đồng để đòi lại tiền. Nếu bên bán không trả tiền thì làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước để được kiểm tra, xử lý và khởi kiện ra Tòa”, ông Phượng nói.


Duy Quang - Hương Chi (Tiền Phong)

Các bước cần làm ngay khi lỡ dính bẫy lừa mua bán nhà đất

Những cách thức để tránh bị "sập bẫy" lừa khi giao dịch bất động sản rất quan trọng. Nhưng nếu đã "trót" là nạn nhân bị lừa đảo, việc ứng xử ra sao để giải quyết vụ việc cũng rất quan trọng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Các giao dịch bất động sản luôn có giá trị lớn. Do đó, nó cũng là mảnh đất màu mỡ mà giới lừa đảo nhắm đến. Đã có rất nhiều chiêu trò lừa đảo bị cơ quan chức năng phanh phui. Trải qua thời gian, thủ đoạn lừa đảo ngày càng khó phát hiện và tinh vi hơn. Đôi khi người mua sập bẫy rồi vẫn chưa biết phải làm gì để đòi lại quyền lợi cho mình hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại.

1. Ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến nhà đất đó

Ngay sau khi phát hiện ra mình đã thành nạn nhân sập bẫy lừa mua bán bất động sản, hãy lập tức soạn một tờ đơn ngăn chặn hoạt động mua bán nhà/đất đó gửi đến các cơ quan sau: Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nơi có đất, các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố nơi có đất, văn phòng đăng ký đất đai Quận/huyện nơi có đất, UBND phường nơi có đất.

Mục đích của việc làm đơn là thông báo đến các cơ quan chức năng về tình trạng tranh chấp liên quan đến việc mua bán nhà/đất đó. Đơn được gửi sớm sẽ tránh cho mọi việc trở nên phức tạp và rối rắm hơn, bởi rất có thể kẻ lừa đảo sẽ tìm cách tẩu tán tài sản hoặc thực hiện thêm các giao dịch lừa đảo với những nạn nhân khác giống bạn.

Kèm theo đơn, hãy cung cấp các bằng chứng cụ thể mà bạn có được về việc tranh chấp hoặc hành vi lừa đảo của đối tượng, ví dụ như một bản thỏa thuận riêng giữa 2 bên, các giấy tờ ký kết giữa hai bên...

Khi nhà, đất có tranh chấp, về nguyên tắc chung, cơ quan chức năng sẽ tạm ngừng các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… với nhà, đất đó. Như vậy mục đích của người lừa bán nhà đất sẽ không thể đạt được.

2. Đàm phán "tình cảm" hoặc đe dọa đưa vụ việc ra pháp luật

Thực ra, việc bị lừa không hẳn là lỗi của một bên, việc nhẹ dạ, cả tin, thiếu kiến thức về luật pháp chính là cơ hội để kẻ lừa đảo tận dụng. Nếu chẳng may là nạn nhân của lừa đảo mua bán nhà đất, hãy tìm cách thông báo cho đối tượng rằng bạn đã phát hiện ra hành vi và sẽ có biện pháp nhờ tới pháp luật can thiệp. Tuy nhiên, bạn vẫn sẵn sàng đàm phán, giải quyết trong êm thấm để tránh rắc rối thêm cho hai bên. Khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, bạn có thể lấy lại nhà, đất bằng việc soạn thảo và công chứng một số văn bản như Hợp đồng chuyển nhượng (chuyển lại nhà đất cho bạn), Văn bản thỏa thuận, Hợp đồng ủy quyền… tùy vào thực tế vụ việc.

Việc tìm cách giải quyết thuận lợi cho cả 2 bên còn phụ thuộc vào sự việc thực tế, thái độ thiện chí, khéo léo và hiểu biết của mỗi bên trong vụ việc.

Có một thực tế là nhiều khi người lừa và người bị lừa lại chính là những người thân, họ hàng trong gia đình. Có thể ban đầu họ không có ý định lừa, nhưng do lòng tham hoặc áp lực từ một số hoàn cảnh như nợ nần, làm ăn thất bại không trả được nợ nên mới dẫn đến hành vi lừa đảo. Vì thế, khi sự việc xảy ra rồi, dù bạn rất bức xúc và tức giận, muốn đưa ngay ra pháp luật nhưng hãy nhớ nếu đàm phán, thương lượng thành công thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh gọn và thuận lợi hơn.

Vậy nên bạn hãy bình tĩnh để "đàm phán" thật khéo léo và có những đe dọa cần thiết về tiến trình xử lý vụ việc trước pháp luật. Với những người lừa đảo "không chuyên" hoặc kẻ lừa đảo non gan, bạn có thể sẽ giải quyết được mọi việc trong êm đẹp mà không cần nhờ sự trợ giúp khá tốn công sức và thời gian từ pháp luật.

3. Khởi kiện, tố cáo đối tượng lừa đảo

Đây là con đường cuối cùng nếu không thể đàm phán hoặc đối tượng lừa đảo mua bán nhà đất đã bỏ trốn. Bạn cần làm đơn tố cáo ra các cơ quan chức năng nhằm yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên hoặc các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán liên quan.

Nếu xác minh có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố, điều tra vụ việc và có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho bạn. 

Minh Châu  (Tổng hợp)

Thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc trở lại

Những tháng cuối năm 2020 cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu sôi động trở lại với hàng loạt dự án BĐS bung hàng, giao dịch rục rịch khởi sắc hơn sau những tháng ảm đạm do tác động của dịch bệnh Covid-19.


Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa có báo cáo phân tích về ngành bất động sản, cho biết rằng thị trường BĐS TP.HCM bắt đầu có nhiều dự án khởi động trở lại. Năm nay, nhu cầu về BĐS tiếp tục gia tăng trong khi nguồn cung mới hạn chế, và tình trạng này tiếp tục diễn ra trong 2-3 năm tới do thủ tục pháp lý bị siết chặt. Tuy nhiên, do TP.HCM đang phát triển nhiều dự án quy mô lớn cho nên đơn vị này dự báo nguồn cung căn hộ có thể tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 30% trong giai đoạn 2021 - 2022 và tỉ lệ hấp thụ có thể ở mức cao trên 90%.


Nhiều dự án lớn dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trở lại gồm Bason (số 2 Nguyễn Hữu Cảnh), Vinhomes Grand Park (Quận 9), Gem Riveside (Quận 2), Mesa Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2) và dự án Long Beach (Huyện Cần Giờ).


Trên thực tế, thị trường BĐS TP.HCM những ngày gần đây bắt đầu rục rịch khởi sắc trở lại với nhiều dự án bung hàng mở bán dịp cuối năm, thậm chí cả những thị trường vùng ven trung tâm Tp.HCM đang diễn ra khá sôi động, và cũng là những khu vực đem lại nguồn cung chính cho thị trường.


Nguồn cung mới cho thị trường BĐS TP.HCM chủ yếu đến từ 10 dự án vừa được Sở Xây dựng TP.HCM chấp thuận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua. Tổng số nguồn cung từ 10 dự án này vào khoảng 9.000 căn. Trong đó, phần lớn là căn hộ chung cư.


Đáng chú ý nhất là 7.853 căn hộ tại Quận 9 thuộc dự án Khu dân cư và công viên Phước Thiện, Long Bình và 107 căn nhà thấp tầng thuộc dự án Đông Tăng Long; Quận 7 có 44 căn dự án Bắc Rạch bà Bướm và 87 căn ở khu A thuộc KĐT Nam Thành phố; Quận 2 có 333 căn hộ ở dự án Khu dân cư Minh Thông…


Ngoài ra, ở khu vực vùng ven trung tâm TP.HCM cũng đang xuất hiện nhiều dự án được các DN bất động sản bung hàng. Đơn cử như dự án Phú Đông Sky Garden ở Dĩ An của Phú Đông Group, dự án có 640 căn hộ từ 2 đến 3 phòng ngủ với giá khoảng 2 tỉ đồng/căn; Cùng khu vực, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang chào bán dự án New Galaxy với quy mô 6 block hơn 2.000 căn hộ, 1 đến 3 phòng ngủ; Dự án Legacy Central, khu căn hộ cao cấp Astral City tọa lạc tại Tp.Thuận An với 8 tòa tháp và gần 5.000 căn hộ đang được Phát Đạt và Tập đoàn Danh Khôi bắt tay thực hiện. Tại Bình Dương hiện cũng có nhiều dự án khác bung hàng như Bcons Bee, The Emerald Golf View, Opal Skyline, Park View, Astral City…


Trong khi đó, Tập đoàn Novaland, một nhà phát triển BĐS hàng đầu ở khu vực phía Nam cũng đang triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn, đồng thời giới thiệu ra thị trường các giai đoạn tiếp theo của 4 dự án BĐS lớn gồm dự án căn hộ cao cấp The Grand Manhattan (tại quận 1, TP.HCM), Aqua City (tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiet (tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận) và NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu); Sơn Kim Land mở bán khoảng 600 căn hộ thuộc phân khúc hạng sang ở Thủ Thiêm.


Với thị trường Hà Nội, mặc dù chưa sôi động nhưng thị trường cũng bắt đầu có những tín hiệu khả quan. Nhiều dự án rục rịch chào bán như Him Lam Vạn Phú, Hà Đô Charm Villas, Sudico An Khánh, An Lạc Green Symphony,…ở phân khúc nhà thấp tầng.


Ở phân khúc chung cư cũng có hàng chục dự án đang rục rậm rịch triển khai bán hàng. Đơn cử như BRG Berriver Jardin (Long Biên), The Nine Phạm Văn Đồng, BRG Park Residence Lê Văn Lương,…


Theo CBRE Việt Nam, nguồn cung tại thị trường Hà Nội năm nay có thể vượt 26.000 căn. Tỷ lệ chào bán khoảng 21.000 – 22.000 căn. Tốc độ tăng giá thấp hơn của TP HCM. Cũng theo số liệu từ đơn vị này, cả thị trường Hà Nội và Tp.HCM đều có xu hướng sụt giảm nguồn cung trong năm nay. Tổng căn hộ chào bán ra thị trường ở TP HCM chỉ hơn 9.200 căn, giảm 57% so với cùng kỳ còn Hà Nội là 10.700 căn, giảm 67%.


Trong khi đó, những thị trường lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương lại có sự chuyển biến mạnh mẽ. Số lượng căn hộ chào bán tại Bình Dương vượt 8.200 căn hộ, tương đương nguồn cung TP HCM và tăng 144% cùng kỳ năm trước. Bình Dương nổi lên như một thị trường đối trọng với TP HCM, đặc biệt ở phân khúc căn hộ tầm trung.

Những điểm cần lưu ý khi vay vốn ngân hàng mua nhà đất

Vay vốn ngân hàng mua nhà đất là biện pháp tức thời, giúp bạn sở hữu bất động sản khi bản thân chưa đủ năng lực tài chính. Cần chú ý gì khi vay vốn ngân hàng mua nhà đất?

Lựa chọn chủ đầu tư uy tín

Chọn chủ đầu tư khi mua nhà đất cũng giống như “chọn mặt gửi vàng”. Bởi những rủi ro như: Chủ đầu tư không đủ năng lực pháp lý; bị lừa mua phải những lô đất trong diện giải tỏa; mua phải đất không có giá trị hoặc đã bị bán nhiều lần… thường rất dễ gặp trong lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, cũng có không ít chủ đầu tư không có quy hoạch dự án rõ ràng, hợp pháp. Chính vì vậy, khi vay vốn ngân hàng mua bán nhà đất, khách hàng chỉ nên hợp tác với chủ đầu tư hoặc bên bán uy tín.

Định giá chính xác lô đất mình muốn đầu tư

Muốn vay vốn mua nhà đất hiệu quả, bạn nhất định phải biết định giá lô đất (căn nhà) muốn đầu tư. Việc này trước hết giúp bạn biết mức giá chủ đầu tư đưa ra có hợp lý hay không. Tính toán được giá trị thực tế của lô đất cũng giúp bạn biết mình có nên vay ngân hàng mua đất hay không.

Cuối cùng, việc định giá lô đất giúp bạn biết mình có khả năng trả nợ hay không. Theo các chuyên gia ngân hàng, chúng ta chỉ nên vay tiền ngân hàng để mua đất khi đã có trong tay ít nhất 30% số vốn. Việc nhiều người vay số vốn quá lớn sẽ khiến tổng số tiền lãi phải trả tăng cao.

Lựa chọn gói vay phù hợpBạn sẽ được chọn một trong nhiều phương án vay ngân hàng mua đất khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần tính toán kỹ khả năng tài chính, khả năng trả nợ của mình để chọn mức vay phù hợp.

Khi bạn vay số tiền càng lớn, tổng số lãi bạn phải trả ngân hàng càng cao. Vì vậy, bạn nên chọn gói vay mua nhà đất phù hợp để không phải chịu số tiền lãi quá lớn.

Nắm rõ lãi suất cho vay trong từng giai đoạn

Mọi ngân hàng đều đưa ra các mức lãi suất khác nhau theo từng thời kỳ. Thông thường, trong thời gian đầu vay vốn, ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất hấp dẫn. Mức lãi suất này sẽ tăng dần theo thời gian. Nên khi vay vốn mua nhà đất, bạn nên tìm hiểu kỹ và nắm rõ các mức lãi suất cho vay.

Việc tính toán khả năng trả nợ phải dựa trên mức lãi suất cao nhất trong thời gian vay vốn. Nếu bạn tính toán dựa trên mức lãi suất thấp nhất được áp dụng trong giai đoạn đầu, bạn sẽ gặp không ít khó khăn khi trả nợ khoản vay ngân hàng mua nhà đất trong giai đoạn sau.

(Theo Lao Động)

Đại gia bất động sản Nhật lần đầu ‘bắc tiến’, đầu tư vào Ecopark

Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nomura (thuộc tập đoàn Nomura Real Estate, Nhật Bản) vừa công bố đầu tư vào một dự án căn hộ thuộc Khu đô thị Ecopark.

Dự án nằm ở giai đoạn 2 của khu đô thị Ecopark, có quy mô lên đến 3.000 căn hộ. Dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào giai đoạn 2024-2025.

Nomura Real Estate được biết đến là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn tại Nhật Bản, đã đầu tư vào Việt Nam từ 2015, nhưng chủ yếu chỉ đầu tư tại một số dự án lớn ở TP.HCM.

Dự án căn hộ tại Ecopark là dự án đầu tiên Nomura Real Estate tham gia hợp tác đầu tư ở khu vực phía Bắc.

Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Ecopark lựa chọn "bắt tay" cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại khu đô thị. Trước đó, Học viện Y khoa Waseda Nhật Bản cũng lựa chọn Ecopark là nơi xây dựng trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam & Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của Hà Nội, Ecopark được nhiều người đánh giá là một dự án đại đô thị điển hình đại diện cho Việt Nam và là một trong những đô thị sinh thái đầu tiên phát triển thành công ở trong nước.

Ecopark sở hữu các yếu tố thuận lợi về vị trí, quy mô diện tích lớn cùng thiết kế quy hoạch mang tầm quốc tế. Dự án tọa lạc tại vị trí giao thông liên vùng thuận lợi, kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Từ Ecopark, cư dân có thể dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố và khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… thông qua các trục đường huyết mạch và 3 tuyến metro công cộng hiện đại (theo quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội tầm nhìn 2030-2050).

Ecopark sở hữu đầy đủ các sản phẩm bất động sản, từ căn hộ chung cư hiện đại cao cấp, đến những nhà phố thương mại hay các biệt thự thượng lưu. Hệ thống tiện ích công cộng như  rạp chiếu phim, bể bơi, sân tennis, phòng tập thể thao, công viên, sân golf sân chơi, hệ thống hơn 20 trường học các cấp, bệnh viện, siêu thị… đều đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng được nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia và nhà đầu tư, chính lối quy hoạch thông minh, đậm tính nhân văn trong không gian xanh, rộng thoáng của mặt nước và thảm thực vật nhiều tầng tán hài hòa đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng cùng nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Trên thị trường bất động sản, Ecopark liên tiếp ghi điểm bằng những dự án xanh, với kiến trúc độc đáo. Sau thành công của các dự án biệt thự đảo Ecopark Grand - The Island, dự án AquaBay, dự án biệt thự vườn Tùng, vườn Mai, dự án Sky Oasis…

Tới đây, chủ đầu tư Ecopark tiếp tục giới thiệu ra thị trường dự án Solforest, được phát triển theo mô hình Vertical Forest (rừng thẳng đứng).

Solforest là tòa tháp xanh 41 tầng, cao hơn 150m, sở hữu hơn 400 khu vườn nhiệt đới. Các khu vườn này thu hút khách hàng nhờ sở hữu tầm nhìn cảm xúc, view trọn vịnh đảo rộng 54 ha và sông Hồng.

Mô hình Vertical Forest đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Ở trong nước, hiện tại cũng có 3 - 4 dự án phát triển theo mô hình này, tuy nhiên các dự án có quy mô hạn chế cao từ 42 - 65 m, chủ yếu là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Với chiều hơn 150 m, khi hoàn thành, Solforest sẽ trở thành một trong những tòa tháp xanh cao nhất thế giới.

Với kinh nghiệm kiến tạo và duy trì không gian xanh khổng lồ hiện hữu tại Ecopark, cùng nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, chủ đầu tư tự tin phát triển thành công 400 khu vườn xanh trên cao.

Toàn bộ các ban công đều được chủ đầu tư hoàn thiện sân vườn, bàn giao cho cư dân cùng công nghệ chăm sóc. 100% khu vườn được bảo trì và duy tu định kì, lắp đặt hệ thống tưới nước dinh dưỡng cài đặt tự động theo giờ phù hợp với nhịp sinh trưởng của các loại cây.

Hiện tại, mỗi năm, Tập đoàn Ecopark đón hàng chục đoàn tham quan của các tập đoàn bất động sản hàng đầu trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm phát triển được không gian xanh như Ecopark cho các đại dự án.

Thuế đất tăng nhà đầu tư tìm mua bất động sản nhà phố

Thông tin Hà Nội điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố khiến người dân Thủ đô, đặc biệt là giới đầu tư sốt sắng tìm mua bất động sản nhà đất. 

 

Theo Quyết định số 06/2019 QĐ-UBND về việc điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, hệ số điều chỉnh giá đất sẽ tăng từ 1,2 đến cao nhất là 2,3 lần thuộc các quận nội thành và các quận liền kề trung tâm.


Ông Phạm Thanh Hưng, chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản nhà phố Hà Nội sẽ chứng kiến mức tăng trưởng và thiết lập mặt bằng giá mới, đặc biệt tại các dự án có sản phẩm nhà gắn liền với đất.


Giá bất động sản nhà phố có thể tăng 30%


Thị trường bất động sản nhà phố - liền kề (là một trong những sản phẩm bất động sản có gắn với quyền sử dụng riêng về đất mà dân đầu tư thường gọi là nhà mặt đất, như: Nhà phố, Liền kề, Biệt thự, Đất nền…) những năm gần đây liên tục “khát” nguồn cung, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM.


Mức giá của loại hình bất động sản này tại những khu vực trung tâm luôn đắt giá, được xem là bất động sản cho giới siêu giàu, vì giá trị đầu tư cao, nhưng cũng đem lại những món lợi nhuận kếch xù.


Tại Hà Nội, sau khi Thành phố công bố quy hoạch, theo đó, hạn chế cấp phép các dự án thấp tầng ở nội đô, thì nguồn cung dự án nhà đất có vị trí “dát vàng” không còn tại 4 quận trung tâm, khách hàng chuyển qua “săn” đất tại các quận liền kề như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai,… những nơi vẫn còn quỹ đất để xây dựng các dự án có tính quần thể, và đặt biệt, có sản phẩm nhà mặt đất.


Nhà phố những tháng qua tại Hà Nội đã tăng giá đáng kể, mức tăng 3-5% tại quận Cầu Giấy và Đống Đa. Các quận khác như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai cũng có mức tăng đạt mức 2,5 - 3%. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia bất động sản, điểm thú vị đối với nhà phố tại thị trường Hà Nội trong quý III/2019, là những quận đã thiết lập mặt bằng giá cao ngất ngưởng như Ba Đình, Hai Bà Trưng đều ghi nhận biên độ tăng giá thấp nhất, dao động từ 2 - 2,8%. Ngược lại, những quận lân cận trung tâm lại có biên độ tăng lớn hơn.


Thông tin về việc thành phố Hà Nội ra quyết định điều chỉnh giá đất tăng khiến người dân Hà Nội, đặc biệt giới đầu tư sốt sắng tìm mua bất động sản nhà đất. Cụ thể, hệ số K đối với 4 quận nội thành cũ là 2,3; các quận còn lại từ 1,85 - 2,05; các huyện dao động từ 1,2 - 1,4.


Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 98/KH-UBND để điều tra, xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn trong 5 năm tới, từ 2020 đến 2024.


Trước những thông tin này, chuyên gia bất động sản Phạm Thanh Hưng nhận định: “Thị trường sẽ chứng kiến giao dịch sôi động và sự tăng trưởng của bất động sản nhà mặt đất, đặc biệt là các sản phẩm nhà phố của các dự án lớn. Những quận nội thành vẫn sẽ giữ đỉnh giá, có tăng nhẹ. Riêng các quận giáp ranh sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tôi đánh giá, mức giá bất động sản nhà phố có thể tăng 20% - 30% trong thời gian tới. Nếu nhìn lại, thì trong chu kỳ 10 - 15 năm qua, mức tăng 200 - 300% đã rất nhiều dự án đạt và vượt”.


Nhà đất: Giá trị “thặng dư” từ đất và… hơn thế nữa


Để trở thành một nhà đầu tư bất động sản thành công, trước hết, các nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư của mình. Ví dụ như, mục đích để khai thác và thu nhập dòng tiền, hay mục đích để chờ lãi vốn? Những sản phẩm hiếm hoi có được cả hai thì được gọi là lợi nhuận kép. Và sản phẩm nhà phố thương mại là loại đặc trưng nhất.


Những năm gần đây, giới giàu và siêu giàu lựa chọn bất động sản nhà đất nằm trong đại dự án, các khu đô thị vì đáp ứng được mọi nhu cầu và an ninh đảm bảo. Và vì điều quan trọng nhất, đó là cơ hội kinh doanh khai thác cũng như lãi vốn trong tương lai là rất cao. Nói ví dụ, nếu như nhà phố ở trung tâm hiện đang khoảng 500 - 700 triệu đồng/m2, để tăng lên gấp đôi sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể do hạ tầng quá tải. Nhưng với mức giá 100 - 150 triệu đồng/m2 ở quanh Vành đai 3, thì khả năng tăng gấp đôi trong vài năm là khá hiện thực.


Theo ông Phạm Thanh Hưng, việc bất động sản nhà đất dự án không đơn thuần là vì “tấc đất tấc vàng” mà điều quan trọng làm nên giá trị “thặng dư” của loại hình bất động sản này là giá trị vô hình từ cộng đồng – một trong những yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống.


Giá trị “thặng dư” từ cộng đồng thậm chí nhiều khi còn giúp gia tăng giá đất lên gấp nhiều lần, nếu chủ đầu tư biết xây dựng và phát triển dự án trở thành một nơi đầy sức sống và sầm uất.


Đó là lý do mà nhiều dự án đã trở thành bảo chứng, thành điểm đến, thành sự lựa chọn ưu tiên số 1 cho bất cứ ai khi nghĩ đến một cuộc sống thực sự chất lượng. Người ta chọn Vinhomes Riverside (Long Biên, Hà Nội) để tận hưởng cuộc sống thảnh thơi, nghỉ dưỡng; người ta chọn Ciputra Tây Hồ Tây để sống trong một cộng đồng thành đạt, văn minh; chọn Gamuda Gardens (Hà Nội) hay Celadon City (TP.HCM) để sống xanh trọn vẹn;…  


Mới đây nhất, tại Hà Nội, Bitexco Group – một chủ đầu tư đã thành danh trong việc xây dựng bất động sản mang tính biểu tượng như Tháp tài chính Bitexco 68 tầng, có kinh nghiệm cả trong việc phát triển dịch vụ 6 sao (khách sạn JW Marriott) và xây dựng cộng đồng thịnh vượng (The Manor Hà Nội) đã giới thiệu ra thị trường dự án The Manor Central Park.


Dự án được quy hoạch và xây dựng để trở thành “Kỷ nguyên mới của 36 phố phường” – là điểm đến mới của người dân Hà Nội sầm uất, sôi động và thịnh vượng. Sau một thời gian khá dài ấp ủ, nay chính thức được ra mắt thông qua hệ thống phân phối của CenLand.

Tín dụng bất động sản chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế

Trong báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực rủi ro bat dong san và chứng khoán đều tăng so với cuối năm ngoái. Đặc biệt, tính đến tháng 8, tín dụng bất động sản tăng tới 14,58%.


Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.


Đến tháng 8, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.

Đối với các lĩnh vực rủi ro, đến tháng 8, tín dụng đối với bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.


Lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%. Ước đến tháng 9, các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%.


Đối với cho vay dự án BOT, BT, Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo hiện có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.


Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động những nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Mặt khác, các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng cần được tập trung xử lý.


Tính đến ngày 30-9-2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,86% so với cuối năm 2018. Về lãi suất, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định. Một số tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn, đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.


Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6,6-7,3% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn.